thiên hạ đón xuân đủ màu hoa lá
tụi mình đón xuân bằng két rượu bia
đêm hoang vu chứa bọn sầu lữ thứ
bao năm lưu lạc vẫn chưa về
Đó là những năm lang bạt ở tận miền nam hát bài Xuân này con không về . Ai ngờ hát hoài hát mãi đến giờ vẫn chưa ngưng. Xưa ở Sài gòn, cuối năm nhớ Huế không về được, bèn ghé cái quán trước ga xe lửa kêu một xị rượu ngồi nhìn thiên hạ mặt mày hớn hở tay xách tay mang, leo lên xe lửa về quê ăn tết, mà thấy lòng mình rưng rưng. Khi chuyến tàu cuối cùng kéo một hồi còi dài từ giả lên đường, những người đưa tiễn cũng vội vã ra về, sân ga trong phút chốc im lìm hoang vắng lạ.
Từ giã quán sân ga, đi lang thang trong đêm ba mươi, mỏi chân ghé quán cà phê nào đó còn mở cửa, uống cà phê nghe chút nhạc và " Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên mây" (Thơ Hồ Dzếnh).
Lại nhớ những quán cà phê xưa ở Huế và đám bạn bè thuở mười tám hai mươi. Thời đó tuổi trẻ ở Huế không rươu bia như tuổi trẻ sau này. Thời đó uống cà phê nghe nhạc hút vài ba điếu thuốc là đã thấy "hư" lắm rồi. Quán nào có cô cát sê dễ thương thì ghé thường xuyên hơn, thêm cái mục yêu đương mơ màng này là "hư" thêm một chút nữa rồi ba má ơi. Đâu phải một mình con "hư" mà cả đám bạn học đều như rứa cả,. Ngọại lệ có một vài thằng cặm cụi học hành, cả một thời tuổi trẻ hổng biết cà phê cà pháo, hổng biết yêu đương mơ mộng gì cả, nên giờ gặp lại hồn vía cứ trơ trơ như đá, nói chuyện chán phèo. Nhưng mấy thằng hồn vía trơ trơ đó giờ nghe nói thành công dữ lắm, có đứa bác sĩ kỷ sư, có đứa làm quan làm tá, có đứa đại gia đại phố, có đứa làm thương mãi với thương em, nhà cửa ngựa xe ăn chơi bốn mùa dữ dội, e bù trừ cái thời tuổi trẻ hổng biết mơ màng, giờ ăn chơi cho đời biết mặt. Còn mấy thằng cà phê cà pháo văn nghệ văn chương giờ vẫn như xưa, tiền bạc khi không khi có, nên nhìn cuộc đời cứ như có như không. Buồn rứa đó.
Nhưng nếu có lại một tuổi mười tám hai mươi một lần nữa, nói thiệt vẫn muốn được "hư" thêm một lần nữa, Dẫu cuộc đời chẳng ra chi nhưng ít ra cũng có chút gì để nhớ về sau..Chao ôi, bây giờ muốn được "hư" lại một lần như rứa, dễ gì.
Lại lang thang ngoài phố gần đến giao thừa về nhà trọ ngủ một giấc dài không mộng mị. Một mùa xuân như đã vừa qua.và kể từ đó không nhớ có bao nhiêu mùa xuân qua khi còn phiêu bạt ở quê nhà, giờ lại đếm những mùa xuân phiêu bạt ở quê người.
Tét ở xứ người cái chi cũng có, mứt bánh hạt dưa, tôm khô củ kiệu, bánh chưng bánh tét, hoa lá rượu trà, nhang khói trầm hương và cả giấy tiền vàng mã cái chi cũng có nhưng cái chi cũng có đó như thiêu thiếu cái gì. Cái gì đó em biết không? Cái gì đó bạn biết không? Hỏi cho có chứ đừng trả lời. Sợ những đôi mắt ngấn lệ đó tuôn dài những giọt nước mắt nhớ nhà nhớ quê, nhớ cha mẹ, nhớ anh chị em, nhớ bạn bè, nhớ người quen và nhớ luôn cả một vài tên ...cà chớn. Câu sau mình thêm vào đùa cho vui ai dè có đứa gật gù " Quái thật có lần thấy như vậy.". Té ra nổi nhớ cũng ta bà quá.
Hơn ba triêu người Việt tha phương. Cuối năm hỏi ai không nhớ quê nhà để thấy nổi buồn thiên cổ nọ.
ở đây bia rượu tràn như nước
uống mãi mà không cạn nổi buồn
đưa tiễn năm tàn cùng tháng tận
nhẹ nhàng như tiễn một mùa xuân
này em cô gái miềm nam bộ.
quê hương sông nước cá tôm đầy
những cánh đồng phù sa bát ngát
sao đành trôi dạt ở nơi đây
và em ánh mắt buồn u uẩn..
luân lạc chiều xụân ở xứ người
câu thơ Quang Dũng thời chinh chiến
hồn còn vương vấn mãi khôn nguôi
hỏi em Huế chừ mưa hay nắng
làm răng em biết nắng hay mưa
nắng mưa chi Huế cũng buồn như rứa
nổi buồn sương khói nhớ sơn khê
rót vào chén rượu xanh lời hẹn
mai kia mốt nọ rủ nhau về
đừng để nổi buồn tràn thế kỷ
người ở bên này nhớ bên kia
Chiều ba mươi, căn phòng nhỏ, vài đóa hoa, ly rượu đỏ, nổi buồn xưa, ngồi nhìn bóng nắng nhạt nhòa trên mấy hàng cây trụi lá giống như đời người trơ trụi niềm vui chốn này.